Hà Nội - Thủ đô nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, là "Trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước". Hà Nội nằm ở trung tâm Đồng bằng Bắc Bộ với dân số khoảng 2,6 triệu người, diện tích trên 927 km2, Hà Nội là một thành phố cổ đã được hình thành và phát triển gần 1000 năm từ năm 1010. Hà Nội qui tụ nhiều di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Chùa Một Cột, Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Bảo tàng lịch sử, Cột Cờ, quần thể Thành cổ... Hà Nội gồm có 7 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành với quận Ba Đình là trung tâm hành chính - chính trị quốc gia, quận Đống Đa, huyện Gia Lâm và Đông Anh là các trung tâm công nghiệp, quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng là các khu trung tâm thương mại. Vị trí địa lý của Hà Nội rất thuận lợi, là đầu mối giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường sắt và đường hàng không nối từ Hà Nội đến các tỉnh, địa phương của Việt Nam và tới các nước trong khu vực cũng như các nước trên toàn cầu, Hà Nội đã và đang thực sự trở thành Trung tâm giao dịch kinh tế và trung tâm giao lưu quốc tế quan trọng của cả nước.
Sau khi Luật Đầu tư Nước ngoài ở Việt Nam được ban hành vào tháng 12 năm 1987 cùng với việc áp dụng hàng loạt các chính sách khuyến khích của một nền kinh tế mở, 40 quốc gia lãnh thổ và hàng trăm các tập đoàn, Công ty nước ngoài đã vào Hà Nội để tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh tại thị trường này, một thị trường mà các chuyên gia nước ngoài đánh giá là còn nhiều tiềm năng có thể khai thác. Tính đến hết tháng 12 năm 2001, trên địa bàn Hà Nội đã có 486 dự án đã được cấp giấy phép đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 8,547 triệu USD trong đó có 325 dự án liên doanh, 133 dự án 100% vốn nước ngoài, 23 dự án hợp doanh, đã hình thành 5 KCN tập trung ( là KCN Nội Bài-Sóc Sơn, KCN Sài Đồng A, KCN Sài Đồng B, KCN Đài Tư) với diện tích 784 ha và số vốn đầu tư cho hạ tầng cơ sở khoảng trên 250 triệu USD. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài đã góp phần quan trọng trong việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế của Hà Nội, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhanh chóng hình thành cơ cấu kinh tế: thương mại - công nghiệp - nông nghiệp.
Để tiếp nhận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn xúc tiến đầu tư trực tiếp của nước ngoài, Hà Nội đã tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn có đầy đủ tiềm năng và các điều kiện thuận lợi như:
Hà Nội là Thủ đô của nước CHXHCN Việt Nam, là trung tâm chính trị, nơi làm việc của các cơ quan đầu não của Việt Nam như: Trung ương Đảng, Chính phủ, các Bộ chuyên ngành... Hà Nội có nền tảng chính trị ổn định, chính sách kinh tế đối ngoại mở cửa linh hoạt, an ninh chính trị và trật tự xã hội bảo đảm. Hà Nội còn là nơi có vị thế thuận lợi, là trung tâm giao dịch kinh tế và trung tâm giao lưu quốc tế quan trọng của cả nước.
Hà Nội là một thành phố tập trung nguồn nhân lực, trí tuệ dồi dào chiếm trên 62% số cán bộ khoa học và quản lý có trình độ trên đại học, giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ của cả nước hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội.
Người dân Hà Nội có trình độ dân trí và tay nghề khá cao, có khả năng tiếp nhận nhanh chóng các công nghệ hiện đại cũng như trình độ quản lý tiên tiến. Giá nhân công lao động ở Hà Nội hợp lý.
Tiềm năng thị trường Hà Nội lớn, vùng ảnh hưởng thị trường Hà nội đến các tỉnh, thành phố phía Bắc cũng như thị trường Nam Trung Quốc, Lào có nhiều triển vọng.
Nguồn cung cấp điện năng, cung cấp nước sạch cho các doanh nghiệp thuận lợi và ổn định.
Thủ tục hành chính về xem xét duyệt cấp giấy phép đầu tư cho các dự án (nhất là các dự án công nghiệp) được tiến hành đơn giản, thuận lợi, nhanh chóng.
Các chi phí như: dịch vụ xã hội, thuê bất động sản, nhà đất, điện, nước thấp hơn so với một số đô thị thương mại khác ở Việt Nam (đặc biệt là giá thuê đất giảm khoảng 25% so với trước đây).
Các chính sách thuế được hưởng chế độ ưu đãi, đặc biệt các dự án công nghiệp và các dự án đặc biệt khuyến khích và khuyến khích đầu tư.
Để trở thành một thủ đô văn minh hiện đại có thể sánh vai với các thủ đô và các thành phố lớn khác trong khu vực vào năm 2010, chính quyền Hà Nội đã có định hướng tăng qui hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thủ đô giai đoạn 2001-2010, phát huy tối đa các tiềm năng nội lực và khai thác triệt để các nguồn vốn bên ngoài như FDI, ODA... nhằm thực hiện việc tăng trưởng các chỉ tiêu kinh tế cơ bản của thành phố từ 1,5 đến 2,5 lần vào năm 2010. Hy vọng rằng những thành tựu và những kết quả đạt được trong tương lai của Hà Nội sẽ có một phần đóng góp không nhỏ của các nhà đầu tư nước ngoài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét