Thứ Ba, 20 tháng 7, 2010


Đối với nhiều người, bước qua một giai đoạn chuyển tiếp trong cuộc đời cũng giống như mở ra những cánh cửa mới. Khi chúng ta mở chúng, chúng ta khám phá ra những điều bất ngờ, những phát hiện mới, những thử thách mới và cả những nỗi sợ hãi mới.

Có những lúc chúng ta cần phải đóng những cánh cửa đó lại để chôn sâu hẳn những thứ sau cánh cửa. Nhưng có những khi chúng ta cần nỗ lực hết mình để giữ cho cửa luôn mở.

Có một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng được hình thành khi các bạn trẻ rời mái ấm của mình để bước vào cổng trường đại học. Giai đoạn này mang lại những trải nghiệm cùng những thử thách mới cho cả cha mẹ lẫn con cái. Mặc dù đã cùng nhau chung sống dưới một mái nhà trong nhiều năm, chắc chắn rằng các bậc phụ huynh và con cái họ đều có cách nhìn riêng đối với cùng một khía cạnh trong cuộc sống. Bởi thế, quá trình tách rời nhau trong giai đoạn chuyển tiếp vào đại học cũng ảnh hưởng đến họ theo những cách khác nhau. Cuốn sách này - vốn do một bà mẹ cùng một cô con gái viết ra - mô tả lại những gì chúng tôi gặp, cảm nhận và học hỏi từ giai đoạn chuyển tiếp đặc biệt nói trên. Hai điểm nhìn của mẹ con chúng tôi có thể thay thế cho hai mặt của giai đoạn chuyển tiếp - hai phía của cánh cửa.

Cùng với thời kỳ chuyển tiếp, chúng tôi được trải nghiệm những niềm vui, những thử thách và cả những nỗi sợ riêng. Cuốn sách này mở đầu với thời điểm năm cuối cấp ba và du hành cùng độc giả đến năm cuối bậc đại học, mỗi chương tập trung vào một trong các thời kỳ chuyển tiếp ("các cánh cửa") trên suốt cuộc hành trình dài. Dựa trên chuyến đi của chính mẹ con chúng tôi, cùng với kinh nghiệm mà các gia đình và nhà tư vấn chia sẻ, chúng tôi mang đến cho bạn những câu chuyện đầy cảm động và cũng rất dí dỏm cùng những lời khuyên hữu ích để tránh được những cái bẫy thường gặp mà các bậc phụ huynh và các bạn học sinh-sinh viên dễ vướng vào trong mỗi thời kỳ chuyển tiếp. Cuốn sách này sẽ có ích cho các gia đình hơn khi cả phụ huynh lẫn con cái cùng đọc nó.

I'll Miss You Too đặc biệt chú trọng vào những gì mà các bậc cha mẹ và con cái cảm nhận trong suốt thời kỳ mà các nhà trị liệu tâm lý gọi là thời kỳ "đẩy bọn trẻ đi và động viên chúng". Với những đứa trẻ mới lớn sắp rời tổ ấm, giai đoạn này có thể trở thành khoảng thời gian đầy hứng khởi, nhưng cũng không loại trừ những bấn loạn và nỗi sợ hãi. Đây cũng là thời điểm để những cô bé, cậu bé thờ ơ trước những lời khuyên của cha mẹ để xác lập những mục tiêu mới cho cuộc sống và trở nên tự lập.

Đối với cha mẹ của những đứa trẻ sắp vào học đại học, việc để chúng đi chẳng có gì mới mẻ. Cụ thể hơn, cha mẹ đã bắt đầu nếm trải, cảm giác mất mát và nỗi lo sợ chia xa khi con cái tự đi bằng chính đôi chân của nó - cho dù là vào trường đại học, kiếm được việc làm ở xa nhà, kết hôn hay nhập ngũ. Với các ông bố bà mẹ, đây là lúc họ học cách chấp nhận để con mình sống xa gia đình, tái xác lập cá tính cũng như các mối quan hệ và dấn bước vào tương lai bằng việc bắt đầu thay đổi cách ứng xử với đứa con sắp đến tuổi trưởng thành của mình.

Khi những đứa trẻ xa nhà, các bậc cha mẹ nhận ra rằng họ có nhiều khoảng thời gian riêng tư hơn và tất nhiên, con cái họ cũng vậy. Từ thời điểm này trở đi, các ông bố bà mẹ sẽ có ít quyền kiểm soát hơn đối với con mình. Đứa trẻ đang độ trưởng thành cảm thấy mình lớn hơn và đôi khi hết sức thích thú với cảm giác tự do. Tuy nhiên, dù có lẽ không phải lúc nào cũng nhận ra, chúng vẫn tiếp tục cần được động viên và dìu dắt. Những nhu cầu, những quan điểm của hai thế hệ và mối quan hệ vốn nhiều bất hòa giữa cha mẹ và con cái có thể phải thường xuyên đối mặt với những thách thức. Nhưng đây cũng sẽ là giai đoạn tuyệt vời mà ai cũng muốn trải qua. Như lời Erma Bombeck từng viết trong chuyên mục của cô:

Không phải sẽ rất tuyệt sao khi các bậc cha mẹ có thể ngắm những đứa con tuổi teen của mình và nói: "Bố mẹ muốn con ở nhà, nhưng con sẽ không thể làm thế phải không". Không phải sẽ rất tuyệt sao khi những đứa trẻ tuổi teen có thể nhìn thẳng vào bố mẹ mình và nói: "Con chẳng muốn đi chút nào, nhưng con vẫn phải đi thôi". Khép lại nhẹ nhàng cánh cửa thời ấu thơ tốt đẹp hơn nhiều việc đóng sầm nó lại.

Với những bạn trẻ được nuôi nấng, bảo bọc trong một mái ấm và một gia đình vòng từ 17 đến 20 năm, bước chuyển vào bầu không khí tự lập và tự do là một trải nghiệm mới. Còn với các bậc phụ huynh - những người cũng từng dành trọn khoảng thời gian như trên để dẫn dắt, cổ vũ con cái họ thì sự biến chuyển này có thể tạo nên một lỗ hổng và khoảng trống lớn trong cuộc sống thường nhật của họ. Chẳng có cuốn sách cẩm nang chính thức nào giúp kiểm soát xúc cảm của bạn trong suốt giai đoạn chuyển tiếp quan trọng này. Nhưng hi vọng rằng những gì chúng tôi gom nhặt được khi viết cuốn sách này có thể giúp quý độc giả hiểu ra cách "khép lại nhẹ nhàng cánh cửa thời ấu thơ".

I'll Miss You Too được viết nên từ tình yêu thương, từ mồ hôi và cả những giọt nước mắt. Mẹ và con gái đồng hành cùng nhau, chúng tôi hồi tưởng những thử thách đã qua và hiểu rằng chúng chỉ cho chúng tôi thấy những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai mẹ con. Chúng tôi hiểu thêm nhiều điều từ những cuốn nhật ký cá nhân mà chúng tôi giữ gìn mấy năm trời và giãi bày tâm tư những cuộc điện thoại, qua những bức thư điện tử hoặc những chuyến thăm viếng lẫn nhau. Qua các kênh giao tiếp này, chúng tôi khám phá ra rằng trong khi cả hai mẹ con trải qua cùng một giai đoạn chuyển tiếp, chúng tôi phải đối mặt với những kiểu thử thách khác nhau để vượt qua nó. Quan trọng hơn cả, chúng tôi nhận ra rằng mỗi chúng ta thường đặt ra những giả định khác nhau về cảm xúc mà người khác có. Cuối cùng, chúng tôi hiểu được rằng đa phần những giả định đó đều là sai lầm cả. Đồng hành cùng nhau, chúng tôi quyết định viết ra một cuốn sách hữu ích giúp những người khác đối mặt với những thử thách mà chúng tôi đã trải qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét